Lượt xem: 192

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm mùa bánh Trung thu

Tết Trung thu đang đến gần, thị trường bánh vào mùa này đã trở nên phong phú và sôi động hơn. Đây cũng là thời điểm gian thương lợi dụng để trà trộn hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm để trục lợi. Do đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng.

    Những ngày gần đây, mặt hàng bánh Trung thu bắt đầu được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị và các gian hàng trên nhiều tuyến đường lớn trong nội ô thành phố Sóc Trăng. Trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản cũng đang rao bán, nhận đặt hàng nhiều loại bánh Trung thu tự làm. Qua khảo sát cho thấy, ngoài các loại bánh Trung thu truyền thống của các nhãn hàng như: Kinh Đô, Tân Huê Viên, Lập Hưng… trên thị trường còn xuất hiện nhiều dòng sản phẩm khác như: Bánh trung thu rau câu, bánh trung thu trà xanh… Các mặt hàng có giá dao động từ 40.000 - 100.000 đồng/chiếc, còn loại cao cấp có giá từ 300.000 đồng/hộp trở lên.


Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra các mặt hàng bánh Trung thu tại một doanh nghiệp ở Châu Thành. Ảnh Quốc Kha

    So với năm ngoái, thị trường Trung thu năm nay có phần trầm lắng hơn bởi Covid-19 khiến các hoạt động lễ hội cũng bị hạn chế, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Do đó, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng nhận định, lượng tiêu thụ mùa Trung thu năm nay có thể sẽ giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng vẫn luôn tiềm ẩn và có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

    Theo nhiều người tiêu dùng, hiện nay việc chọn lựa bánh Trung thu không chỉ quan tâm đến thương hiệu mà còn đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính bản thân họ. Nắm bắt tâm lý của khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu cũng rất chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm.

    Anh Lý Hiển - chủ DNTN sản xuất bánh pía - lạp xưởng Lương Trân (huyện Châu Thành) cho biết: “Để đảm bảo an toàn thực phẩm, các nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp chúng tôi như: Bột, trứng, gia vị đều có chứng nhận đầy đủ. Ngoài ra, quy trình sản xuất cũng được thực hiện bằng máy móc hiện đại để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa tay nhân công với sản phẩm”.

    Tương tự, ông Trương Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Lập Hưng (thành phố Sóc Trăng) chia sẻ: “Năm nay, Công ty tôi sản xuất các loại bánh Trung thu gồm: Bánh trung thu 1 trứng, bánh 2 trứng, bánh thập cẩm, bánh vi cá, bánh chay với giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tùy loại. Tất cả nguyên liệu đầu vào để sản xuất bánh Trung thu đều có chứng từ nguồn gốc rõ ràng và được sản xuất với dây chuyền hiện đại”.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Cục QLTT, cũng như chính quyền địa phương về tăng cường kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2020, Cục QLTT đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm; đồng thời, chỉ đạo các đội QLTT tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra đột xuất những cơ sở có dấu hiệu vi phạm, để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Song song đó, Cục QLTT còn lồng ghép với công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất kinh doanh đối với mặt hàng sản xuất bánh.


Cán bộ QLTT kiểm tra quy trình sản xuất bánh tại doanh nghiệp. Ảnh Quốc Kha

    Đồng chí Nguyễn Văn Bảnh - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng cho biết, nội dung kiểm tra gồm: Hồ sơ pháp lý đối với cơ sở, chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, kiểm tra điều kiện vật chất cơ sở trang thiết bị, dụng cụ sản xuất và lấy mẫu những thực phẩm có dấu hiệu để xét nghiệm. Trong đợt kiểm tra, đơn vị còn tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Qua đó cho thấy, hầu hết các cơ sở lớn, nhỏ đều thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở đều đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất, quan tâm đến việc chế biến và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, người tiêu dùng cần tránh mua sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ. Khi mua lưu ý nhãn mác trên sản phẩm phải rõ ràng đầy đủ, tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất, thành phần của sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Ngoài ra, nên lựa chọn các loại hàng hóa có thương hiệu, uy tín, không nên ham mua những loại hàng hóa giá rẻ, hàng kém chất lượng.

Quốc Kha



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 7652
  • Trong tuần: 78,359
  • Tất cả: 11,801,679